EngLish l Vietnamese
TIN TỨC TỔNG HỢP
CNTT - Thứ tư, 22/12/2010
 

Hòn tuyết lăn Facebook

Diễn viên Jesse Eisenberg (giữa, trái) vào vai Mark Zuckerberg (giữa, phải) trong The Social Network (minh họa của tạp chí Wired)

Phim truyện The Social Network (Mạng xã hội) với nội dung dựa trên quyển sách The Accidental Billionaires (Những tỉ phú tình cờ) được giới truyền thông tại Mỹ đánh giá là phim hay nhất của năm 2010. Phim nhận được phản hồi tích cực từ hầu hết các bài bình luận phim và các website xếp hạng phim (như Rotten Tomatoes). The Social Network có đầy đủ yếu tố "hỉ-nộ-ái-ố" để thu hút công chúng điện ảnh nhưng dường như toát lên nhận định sai lệch: Facebook đồng nghĩa với mạng xã hội. Nói cho chính xác, Facebook là mạng xã hội duy nhất hiện nay tạo được hiệu ứng "hòn tuyết lăn" trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài việc tham khảo điểm xếp hạng phim tại Rotten Tomatoes (http://www.rottentomatoes.com/), những người yêu thích điện ảnh thường tìm đọc bài nhận định của Roger Ebert (http://rogerebert.suntimes.com/) - nhà bình luận phim danh tiếng.của báo Chicago Sun-Times. Đối với The Social Network, Ebert chỉ có lời khen ngợi.
"The Social Network là câu chuyện về một thanh niên có khả năng phi thường, nhìn thấy được con đường thành công trong vô vàn con đường khả dĩ. Tên của anh là Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, người trở thành tỉ phú ở tuổi đôi mươi. Zuckerberg khiến tôi nhớ đến vua cờ Bobby Fischer. Cả hai đều thể hiện hội chứng Asperger: có tài năng bẩm sinh nhưng kỹ năng giao tiếp xã hội chậm phát triển".
Với Ebert, ngoài những lời thoại sắc sảo và tình tiết hấp dẫn, điều thú vị mà phim The Social Network đem đến cho ông là sự trớ trêu: người sáng lập mạng xã hội Facebook lại là người chậm chạp trong giao tiếp xã hội, không lịch lãm, không có kinh nghiệm nhân tình thế thái. Phim thể hiện rõ điều đó qua sự thất bại của Zuckerberg trong cuộc tình đầu tiên. Trước cô gái thông minh mà anh yêu, Zuckerberg không chứng tỏ được phản ứng ngôn ngữ nhạy bén - điều thường được xem là sự thể hiện của đẳng cấp trí tuệ, đặc biệt trong giới sinh viên Đại học Harvard.
"Để có được Facebook, chúng ta phải cảm ơn một phụ nữ mang tên Erica (diễn viên Rooney Mara). The Social Network bắt đầu với cảnh hẹn hò giữa Erica và Zuckerberg (diễn viên Jesse Eisenberg). Zuckerberg vừa nhấm nháp ly bia, vừa căng thẳng trả lời Erica trong một trò chơi ứng đối nhanh. Erica chán nản bỏ đi vì cho rằng Zuckerberg chỉ là người tầm thường.
Erica (nhân vật hư cấu) nhận định không sai nhưng từ giây phút đó, cô đã khởi động sự nghiệp kinh doanh của Zuckerberg. Anh trở về nhà, nốc bia nhiều hơn và bắt đầu tìm cách xâm nhập "facebook" của Đại học Harvard để thu thập ảnh chân dung của những nữ sinh viên. Zuckerberg lập trình một trang web cho phép xếp hạng vẻ đẹp của họ. Đó là hành vi phân biệt giới tính và bất hợp pháp nhưng trang web thu hút giới sinh viên Harvard nhiều đến nỗi làm tê liệt máy chủ của nhà trường. Sau thời gian áp dụng ý tưởng của mình cho website "The Harvard Connection", Zuckerberg xây dựng nên Facebook.
Về lý thuyết, số lượng nước cờ khả dĩ trên bàn cờ nhiều hơn cả số lượng phân tử trong vũ trụ. Các vua cờ không thể tính toán mọi nước cờ khả dĩ nhưng bằng trực giác, họ "thấy" được nước cờ giành chiến thắng trong số lượng nước cờ gần như vô hạn. Với khả năng như vậy, Bobby Fischer vô địch trong môn cờ vua. Tương tự, tuy công nghệ lập trình và ngôn ngữ lập trình được phổ biến rộng rãi, nhưng chỉ có Zuckerberg mới tìm thấy khả năng áp dụng chúng cho mạng xã hội dựa vào trực giác của anh. Sự thành công của Facebook không xuất phát từ sự am hiểu tâm lý con người mà từ sự nắm bắt phương thức kết nối con người, cho phép họ tương tác qua mạng để thể hiện mình. Zuckerberg muốn trả đũa mọi nữ sinh viên ở Harvard. Anh đã đặt họ vào một ma trận phát triển không ngừng.
Người ta cho rằng thiên tài của trẻ em chỉ thể hiện ở ba lĩnh vực: toán, nhạc và cờ. Đó là ba lĩnh vực không dùng tư duy ngôn ngữ, không đòi hỏi kinh nghiệm sống, không đòi hỏi sự hiểu biết bản chất con người. Đó là ba lĩnh vực đòi hỏi tư duy hình tượng, óc luận lý và sự liên tưởng. Tôi nghĩ rằng lĩnh vực lập trình máy tính có thể là lĩnh vực thứ tư".
Ebert cho rằng phim The Social Network là phim rất thú vị, dàn dựng khéo léo để có thể tường thuật hấp dẫn về một tài năng lập trình (nếu không, ai có thể theo dõi trong hai giờ liền một tài năng lập trình ngồi gõ bàn phím?) và giải thích một cách dễ hiểu về "hiện tượng Facebook".
Không khó đoán rằng Ebert đang "hiện diện" ở Facebook và từng thụ hưởng những tiện ích của Facebook. Nhận định của ông, sự ngưỡng mộ của ông đối với Facebook và tài năng của Zuckerberg phần nào phản ánh cách nhìn của công chúng điện ảnh, theo đó sự hư cấu đôi khi "định nghĩa" thực tại trong tiềm thức. Zuckerberg "ngoài đời" phải đính chính rằng kịch bản phim có nhiều chi tiết không đúng sự thực vì được viết ra để lôi kéo khán giả đến rạp.
Trên tất cả, Facebook không phát minh mạng xã hội và cuộc cạnh tranh mạng xã hội vẫn chưa kết thúc. Phim The Social Network vun đắp cho "huyền thoại Facebook" hơn là lý giải thành công của Facebook. Nguyên nhân thành công của Facebook không bắt nguồn từ một cuộc tình tan vỡ, mà nằm trong xu thế phát triển tất yếu của mạng xã hội, khởi đầu từ trước khi có World Wide Web.
Trong thập niên 1980, khi sự kết nối giữa các máy tính còn được thực hiện qua đường điện thoại bằng cách quay số, các dịch vụ CompuServe, Prodigy, GEnie, AOL tại Mỹ đã tạo nên mạng xã hội vì nó đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội hằng ngày: nhu cầu liên lạc giữa những người quen biết, nhu cầu giao dịch, kết bạn giữa những người không quen biết nhằm mua bán, nhằm chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực cùng quan tâm hoặc nhằm tìm kiếm người hôn phối.
Các dịch vụ mạng xã hội thời đó tạo nên những lãnh địa cô lập. AOL là dịch vụ lớn mạnh nhất, đến với người dùng qua đường truyền internet, trong đó mỗi thành viên phải nộp 20 USD mỗi tháng chỉ để được phép kết nối với máy chủ AOL.
Giữa thập niên 1990, sau khi World Wide Web xuất hiện, Yahoo! nhanh chóng lấn át vai trò của AOL nhờ dựa vào mô hình kinh doanh khác hẳn: cung ứng dịch vụ mạng xã hội miễn phí dựa vào quảng cáo. Yahoo! Groups trở thành phương thức chuẩn để hình thành trên mạng những cộng đồng trường học, tôn giáo, nghề nghiệp.
Với trào lưu Web 2.0, mạng xã hội ngày càng mở rộng. Không chỉ Yahoo!, lần lượt nở rộ nhiều dịch vụ mạng xã hội khác: Plaxo, LinkedIn, Friendster, MySpace. Đồng thời, xuất hiện hình thái giao tiếp thông qua nhật ký trực tuyến (blog) với các dịch vụ Blogger, Typepad, WordPress. Trong mạng xã hội lớn, tình trạng ẩn danh trở nên phổ biến. Khi "người ảo" chiếm ưu thế, sự giao tiếp trong "xã hội mạng" ít nhiều mất đi ý nghĩa từng có.
Với Facebook, mạng xã hội trở lại hình thái ban đầu với mức độ phát triển cao hơn. Xuất phát từ ý tưởng facebook quen thuộc trong trường đại học nhằm làm cho mọi thành viên biết rõ "ai là ai", Facebook phục vụ cho những người có mối liên hệ thực, những cộng đồng thực. Những "người ảo" không tìm thấy ích lợi ở Facebook.
Facebook phát triển nhanh chóng lạ thường vì Facebook giúp người dùng nhận diện những người thực mà họ từng quen biết, tiếp cận với những người thực mà họ muốn quen biết. Facebook lại không thu phí từ người dùng, không sống dựa vào sự hiển thị quảng cáo. Từ khi khởi nghiệp, Zuckerberg kiên trì thực hiện mô hình kinh doanh mới dựa trên sự tích lũy dữ liệu. Hệ thống dịch vụ của Facebook và dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu của Facebook có "vô vàn" cơ hội khi Facebook hiểu rõ "sơ đồ giao tiếp xã hội" của từng người thực. Facebook đang trở thành lãnh địa riêng biệt trên web, trong đó có sẵn mọi dịch vụ cần thiết cho giao tiếp xã hội, kể cả việc mua bán. Những thành viên Facebook là công ty, tổ chức đang thực hiện vai trò của một "website" trong lòng Facebook.
Việc nới lỏng chính sách bảo vệ sự riêng tư ở Facebook là hệ quả tất yếu.
Khi Facebook bắt đầu nới lỏng chính sách bảo vệ sự riêng tư, hầu hết người dùng không cảm thấy mất mát. Chỉ rải rác đây đó những ý kiến phản đối.
Ngày 24/4/2010, bốn sinh viên của Đại học New York - Ilya Zhitomirskiy, Dan Grippi, Max Salzberg và Raphael Sofaer - khởi xướng phong trào Defacebook (tẩy chay Facebook) với việc công bố dự án nguồn mở Diaspora (http://joindiaspora.com/). Qua tên gọi dự án, nhóm Diaspora dự định xây dựng "mạng xã hội phân tán" có chức năng (và cả giao diện) tương tự Facebook. Nhờ vậy, mọi cộng đồng thực hoặc từng cá nhân có thể tự xây dựng "Facebook" cho mình, chạy trên máy chủ của riêng họ, bảo đảm quyền tự chủ đối với thông tin cá nhân. Thành viên của các mạng xã hội Disapora khác nhau có thể liên lạc với nhau như thuộc cùng một mạng nhờ sử dụng thống nhất giao thức mở, tựa như trường hợp của thư điện tử.
Để có tiền thực hiện dự án, nhóm Diaspora kêu gọi quyên góp. Thật lạ lùng, chỉ 12 ngày sau lời kêu gọi, nhóm Diaspora nhận được 10.000 USD từ những người không quen biết. Lạ lùng hơn, trong số những người góp tiền cho Diaspora có Zuckerberg với lý do đơn giản: "Họ làm tôi nhớ lại thời sinh viên của mình".
Liệu một ngày nào đó "hòn tuyết lăn" Facebook sẽ dừng lại và hao mòn?

Bốn thành viên của nhóm Disapora (từ trái qua): Ilya Zhitomirskiy, Dan Grippi, Max Salzberg, Raphael Sofaer

NGỌC THẠCH - Echip
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466