Bill Gates rời Microsoft trong nước mắt, Blu-ray trở thành định dạng DVD thế hệ mới, Firefox và OpenOffice cùng ra mắt phiên bản 3 để khẳng định sự thành công của mã mở, điện toán đám mây là thuật ngữ mới được nhắc đến nhiều nhất năm nay.
Dưới đây là 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2008, theo đánh giá của VnExpress.net: MacBook Air mở màn cuộc đua laptop siêu mỏng, nhẹ
Thế giới công nghệ năm nay được Apple "xông đất" bằng chiếc máy tính xách tay dùng ổ lưu trữ thể rắn SSD với trọng lượng 1,36 kg. Sự đón nhận nồng nhiệt của người tiêu dùng khiến một loạt hãng sản xuất cho ra mắt những hệ thống cạnh tranh với lời khiêu chiến trực tiếp, như Lenovo nhái quảng cáo của Apple để khẳng định ThinkPad X300 được trang bị nhiều tính năng hơn, Samsung trình làng model X360 cùng tuyên bố "Lighter than Air" (nhẹ hơn cả MacBook Air)... Ổ lưu trữ thể rắn cũng nhờ MacBook Air mà tạo được bước ngoặt lớn trong hành trình chinh phục người dùng. Công nghệ này lần lượt được "điểm danh" trong máy tính siêu nhẹ của Dell, HP, Acer với dung lượng ngày một tăng và giá bán giảm đi.
Trước khi MacBook Air có mặt tại Việt Nam vào tháng 3, người sử dụng trong nước luôn "mong đợi ngậm ngùi" và sáng tác cả những truyện cười "nguyện sống với Air trọn đời". Tuy nhiên, đa số khách hàng vẫn chọn mua máy tính Apple được trang bị ổ cứng thay cho ổ lưu trữ thể rắn do giá SSD cao hơn HDD tới 8 USD mỗi GB. Nỗ lực sáp nhập của Microsoft với Yahoo bất thành
Lời đề nghị mua lại Yahoo giá 44,6 tỷ USD (31 USD cho mỗi cổ phiếu) của Microsoft thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia công nghệ và giới truyền thông, bởi việc hợp nhất hai trong ba "chân kiềng" của thế giới Internet sẽ tạo nên nhiều đột phá lớn về dịch vụ trực tuyến. Đáp lại thái độ mời chào nghiêm túc và cả "đe dọa" của tập đoàn phần mềm Mỹ là vẻ kiêu ngạo của ban lãnh đạo Yahoo khi cho rằng họ xứng đáng được trả cao hơn thế.
Sau 4 tháng thương lượng và nâng giá lên 33 USD mỗi cổ phiếu, Microsoft đành rút lui vào tháng 6, còn Yahoo cũng lập tức vui "duyên mới": trở thành đối tác tìm kiếm của Google. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cộng với uy tín suy giảm đã làm cổ phiếu của Yahoo rớt xuống còn 9 USD và cổ đông lớn nhất Carl Icahn lỗ gần 1 tỷ USD. Hợp đồng quảng cáo với Google cũng không thành bởi hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ không muốn dính líu đến các vụ kiện chống độc quyền. Hậu quả là ban giám đốc Yahoo dần bị thanh lọc, mới đây nhất là sự rút lui của CEO kiêm nhà đồng sáng lập Jerry Yang. Blu-ray thắng trong cuộc chiến định dạng DVD
Các nhà sản xuất thiết bị và hãng phim đã có thể thở phào sau khi nhóm hậu thuẫn công nghệ HD DVD giương cờ trắng hồi tháng 2. Sự đối đầu dai dẳng suốt 8 năm giữa hai định dạng DVD thế hệ mới khiến người dùng bối rối và giải pháp của họ là chờ đợi tới khi xác định rõ kẻ chiến thắng - điều mà không một nhà phân phối nào mong muốn vì đã tốn hàng trăm triệu USD nghiên cứu và sản xuất.
Thiếu sức ép cạnh tranh từ phía Toshiba và nhóm ủng hộ HD DVD, giới phát triển Blu-ray không còn cảm thấy phải vội vàng trong việc hạ giá đầu đĩa chất lượng cao. Gần một năm qua, sản phẩm dựa trên công nghệ đĩa quang nạp thông tin bằng tia laser xanh này chưa thể chiếm lĩnh thị trường vì quá đắt đỏ, dù khảo sát giữa tháng 2 của VnExpress.net cho thấy có hơn 13% người dùng chủ yếu sử dụng đĩa Blu-ray. "Hất cẳng" các thiết bị DVD ra khỏi phòng giải trí gia đình đang là bài toán khó với Blu-ray, nhất là khi TV độ nét cao (HDTV) vẫn là món hàng xa xỉ với người Việt Nam.
Thị trường netbook bùng nổ
Lần đầu tiên từ khi sáp nhập với Compaq, tập đoàn máy tính lớn nhất thế giới HP phải trao vị trí số một ở châu Âu cho Acer vì chậm trễ tham gia thị trường máy tính xách tay giá rẻ. Chỉ riêng điều đó cũng đủ chứng minh sức hấp dẫn của laptop mini dưới 500 USD. Thành công này còn nhờ Intel kịp thời ra mắt Atom, bộ vi xử lý sử dụng những bóng bán dẫn nhỏ nhất cho netbook và PC để bàn có kích cỡ chỉ bằng cuốn sách (nettop) - mục tiêu sản xuất của các hãng máy tính trong năm 2009.
Sức tiêu thụ netbook tại Việt Nam dường như trái ngược với thế giới. Nhiều người xếp hàng từ sáng sớm ngày 17/5 để chiêm ngưỡng chiếc Asus Eee PC đầu tiên nhập về, nhưng chỉ vài tháng sau, các doanh nghiệp bán lẻ phải thừa nhận bán rất chậm, một tuần mới tiêu thụ được vài chiếc.
Thực tế này đã chứng minh netbook giá rẻ lại không bán chạy ở các nước đang phát triển như dự đoán, vì đa số người sử dụng chỉ có ý định sở hữu một máy tính mà netbook lại có cấu hình thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu làm việc và giải trí. Còn người châu Âu và Bắc Mỹ dùng netbook như giải pháp thay thế khi không muốn mang theo chiếc laptop đắt đỏ, hoặc những gia đình đông người sẽ chia sẻ 1-2 hệ thống cấu hình cao trong khi mỗi thành viên vẫn trang bị một netbook. Phần mềm nguồn mở gặt hái thành công
2008 là năm của phần mềm mã mở. Linux đã đạt vị trí đáng kể trong mảng máy chủ nhưng phải đến phiên bản Ubuntu 8.1 (ra mắt ngày 31/10), hệ điều hành nguồn mở mới được đánh giá là đủ sức cạnh tranh với sản phẩm mã đóng trên "đấu trường" máy tính cá nhân nhờ tính năng phong phú và dễ sử dụng.
Trước đó, trình duyệt Firefox 3.0 cũng đạt kỷ lục thế giới với hơn 8 triệu lượt tải trong ngày ra mắt 17/6. Phiên bản 3 của gói ứng dụng văn phòng mã mở hỗ trợ định dạng ODF (Open Document Format) là OpenOffice cũng gây ấn tượng mạnh cho những ai muốn tải công cụ miễn phí thay cho phần mềm của Microsoft. Tập đoàn của Bill Gates đã phải tuyên bố Office sẽ tương thích chuẩn ODF, dù quyết định này sẽ tạo thêm sức ép cho định dạng Microsoft OOXML (Open Office XML) bởi thế giới càng có thêm lý do để chấp nhận chuẩn tài liệu mở. Thế độc tôn trên thị trường máy ảnh full-frame bị phá vỡ
Cảm biến full-frame là tính năng mà không ít người sử dụng sản phẩm của Nikon, Sony… từng ghen tị bởi đến tháng 12/2007, Canon vẫn là hãng duy nhất hỗ trợ cảm biến ảnh đúng bằng kích thước phim 35 mm từ năm 2002 với phiên bản đầu tiên EOS-1D.
Thế độc tôn này bắt đầu sụp đổ khi Nikon liên tiếp trình làng các thiết bị full-frame cao cấp gồm D3 và D700 cùng có độ phân giải 12,1 megapixel. Đặc biệt, sự xuất hiện của D3x đầu tháng 12 đã làm thỏa "cơn khát" của những tín đồ mê máy ảnh Nikon khi sở hữu cảm biến 35 mm 24,5 megapixel cùng tốc độ chụp nhanh nhất trên thị trường. Nhưng máy DSLR full-frame có độ phân giải cao nhẩt hiện nay lại thuộc về Sony Alpha A900 24,6 mpx (xuất xưởng tháng 9), được bán giá tương đương đối thủ trực tiếp Canon 5D Mark II 21,1 mpx (khoảng 3.000 USD). iPhone 3G mang lại sức sống cho màn hình cảm ứng đa điểm
Ra mắt tháng 7, phiên bản điện thoại thông minh thứ hai của Apple với giao diện multitouch đã đạt doanh thu 4,6 tỷ USD với 6,9 triệu máy được tiêu thụ chỉ trong quý III. Hãng này cũng bán ra 6,1 triệu iPhone thế hệ đầu từ khi nó xuất hiện cách đây 18 tháng.
Cơn sốt iPhone 3G lan tỏa khắp thế giới đã đưa cảm ứng đa điểm trở thành công nghệ màn hình chuẩn cho điện thoại đời mới. Các hãng sản xuất có thâm niên trên thị trường di động phải hụt hơi chạy theo "tân binh" Apple. Samsung trình làng Omnia, Sony Ericsson giới thiệu Xperia X1, Google "bon chen" tung ra G1 chạy trên nền Android... Thậm chí Nokia còn bị chỉ trích vì sự muộn màng khi ra mắt 5800 Xpressmusic trong quý IV.
Dù vậy, chưa một sản phẩm nào đủ khả năng làm lu mờ sức hút của iPhone 3G và "trọng trách" này sẽ được đặt lên vai của N97- điện thoại cảm ứng đầu tiên thuộc dòng N series mà Nokia công bố hôm 2/12 - dù không mấy ai kỳ vọng nó sẽ đạt doanh số 1 triệu máy ngay trong tuần đầu ra mắt như sản phẩm của Apple.
Bill Gates giã từ Microsoft
Từ ngày 27/6, nụ cười và chiếc kính trắng, vốn là "biểu tượng" của chủ tịch Microsoft, sẽ hiếm khi xuất hiện trong những cuộc hội thảo công nghệ. Thay vào đó, hình ảnh ông sẽ trở nên thân quen với chiến dịch chống bệnh tật và đói nghèo. Quyết định lui vào hậu trường của Bill Gates, được công bố từ tháng 6/2006, không chỉ là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của riêng ông và tập đoàn phần mềm Mỹ mà còn tác động tới toàn thế giới công nghệ, bởi không ai đo đếm được tầm ảnh hưởng của nhà đồng sáng lập Microsoft đối với nền kinh tế và sự phát triển điện toán.
Vắng vị thủ lĩnh tinh thần, tương lai hãng phần mềm Mỹ đè nặng lên vai giám đốc điều hành 52 tuổi Steve Ballmer. "Dù người ta sẵn sàng đứng chờ hàng giờ để nghe ông thuyết trình, chẳng ai lại mua sản phẩm chỉ vì yêu quý Gates. Suy cho cùng, họ có tiếp tục hợp tác với chúng tôi hay không còn dựa trên đánh giá về chất lượng và mức độ cải tiến", Ballmer khẳng định.
Ba hệ điều hành của Microsoft làm người dùng bối rối
|
Clip Microsoft làm người xem 'nổ đom đóm mắt' vì tán dương Vista. Ảnh: Planet. |
XP đã có sự kết thúc kỳ lạ và rắc rối nhất trong các hệ điều hành của Microsoft. Tuy luôn xuất hiện sự dùng dằng ở giai đoạn giao thoa giữa sản phẩm cũ và mới, chưa bao giờ người dùng lại tỏ ra lo ngại trước thông tin XP không được sản xuất nữa. Tại nhiều thị trường, PC cũ còn được tiêu thụ mạnh do khách hàng muốn sở hữu XP có bản quyền trong các hệ thống đó.
Còn Vista vẫn không thể lấy được lòng các chuyên gia công nghệ dù Microsoft đã rất cố gắng cải thiện sản phẩm. Hãng này buộc phải mở đường cho người sử dụng "giáng cấp" Vista xuống XP, và CEO Steve Ballmer đành tuyên bố "bỏ qua Vista cũng không sao" trước thực tế nhiều người quyết định duy trì XP cho tới khi Windows 7 ra đời.
Từ đầu tháng 11, người dùng Việt Nam đã truyền nhau dùng thử đoạn mã tiền beta của bản 7 và đánh giá khá cao cải tiến của hệ điều hành thế hệ mới, trừ giao diện không khác Vista là bao. Điện toán máy chủ ảo - thuật ngữ mới được thảo luận nhiều nhất
Xuất hiện từ cuối năm 2007, "cloud computing" (điện toán máy chủ ảo, điện toán đám mây) là khái niệm mô tả cơ sở hạ tầng CNTT với các tài nguyên được ảo hóa và được truy nhập như một dịch vụ. Nó không chỉ cho phép người dùng truy cập thông tin họ cần trên bất cứ máy tính nối mạng nào mà còn giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì họ không cần mua và duy trì hàng trăm máy tính, phần mềm như trước.
Tuy nhiên, hiệu quả của trào lưu này còn gây nhiều tranh cãi. Microsoft giới thiệu hệ điều hành "đám mây" Windows Azure như là "bước chuyển đổi trong phát triển phần mềm, trong chiến lược và cách thức phân phối sản phẩm của tập đoàn", còn thủ lĩnh mã mở Richard Stallman lại coi cloud computing là "mối nguy hiểm nghiêm trọng" vì để dữ liệu của mình nằm trong tầm kiểm soát của người khác là điều chẳng hay ho gì.
Xu hướng điện toán máy chủ ảo mới xuất hiện được hơn một năm nhưng các cơ quan chính phủ tại Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng mô hình này, như IBM đang cung cấp công nghệ và dịch vụ "Đám mây xanh" (Blue Cloud) tại nhiều trường đại học trong nước.
VnExpress.net
|