EngLish l Vietnamese
KINH TE - CHÍNH TRỊ
KINH DOANH - Thứ ba, 03/11/2009
 

Hơn 70% người Việt sính ngoại. Đây là một thách thức lớn đối với cuộc vận động dùng hàng Việt hiện nay. Để thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng trước hết doanh nghiệp phải hành động.

Theo một khảo sát, có đến 70% người Việt Nam thích dùng hàng ngoại, trong khi tỷ lệ ở các nước châu Á chỉ là 40%, tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết. Đây là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long khẳng định doanh nghiệp muốn người tiêu dùng "yêu" thì họ phải tỏ ra đáng yêu trước.

"Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chỉ khuyến khích người dân ưu tiên hàng sản xuất trong nước chứ không bắt buộc họ. Do vậy, muốn được lựa chọn, sản phẩm của doanh nghiệp Việt ít nhất phải tương đương hàng ngoại về chất lượng, mẫu mã, phong cách phục vụ”, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu phát biểu tại Hội thảo “Hành động của doanh nghiệp và Kiến nghị với Nhà Nước” diễn ra vào hôm qua.

Trước đây, người tiêu dùng bị doanh nghiệp Việt bỏ quên hoặc đối xử không công bằng. Sản phẩm tốt, chất lượng cao thì để dành xuất khẩu. Còn hàng phế phẩm, có khuyết tật thì mới để bán trong nước. "Trong khi đó, người dân Nhật Bản rất ưa dùng hàng Nhật. Để có sự ưu tiên này, các doanh nghiệp Nhật luôn bán hàng trong nước có chất lương cao hơn hàng xuất khẩu”, ông Lý Ngọc Minh cho biết.

Kể từ khi thành lập đến năm 1996, có tới 98% sản phầm của Công ty gốm sứ Minh Long là để dành xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ trọng hàng phục vụ nhu cầu nội địa của Công ty đã tăng từ 2% lên 60%. Nhờ đó, công ty này đạt được một số thành tựu đáng kể như hiện chiếm 80% thị phần thị truờng hàng gốm sứ cao cấp trong nước, doanh thu năm 2009 dự kiến tăng 30% so với 2008, trong đó chủ yếu nhờ đà tăng của thị trường nội địa.

Việc mở rộng hệ thống phân phối sẽ giúp đưa hàng Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Hà

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty sữa Vinamilk nhận định thị trường nội địa 80 triệu dân, với hơn 1 triệu trẻ em ra đời mỗi năm, luôn là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt phát triển. Trong đó, thị trường nông thôn là nguồn lợi tiềm tàng với hơn 70% dân số. Từ năm 2008 đến nay, Công ty sữa Vinamilk đã tăng số điểm bán lẻ từ 120.000 lên 170.000 điểm, mở rộng ra cả các vùng nông thôn. Nhờ đó, doanh số năm nay dự kiến tăng tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường phân phối, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2008 của Việt Nam đạt trên 700.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 20%. Trong đó, hệ thống thương mại thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chỉ chiếm 20%. Việc mở rộng và hiện đại hóa hệ thống phân phối nội địa là yếu tố quan trọng để đưa hàng Việt tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Coop Mart cho biết hiện nay, có tới 90% sản phẩm trong hệ thống siêu thị là hàng Việt. Trước đây, Coop Mart ưu tiên chỗ cho sản phẩm của các doanh nghiệp Việt đã có uy tín nhất định hoặc hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên trong cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, Coop Mart đang cân nhắc bán cả sản phẩm của doanh nghiệp trẻ mới thành lập, để khuyến khích họ tiếp cận gần hơn với khách hàng. Bên cạnh đó, siêu thị này cũng đang tổ chức các chuyến xe đưa hàng về nông thôn, miền núi, hưởng ứng cuộc vận động dùng hàng Việt.

Tuy yếu tố doanh nghiệp hành động là tiên quyết trong cuộc vận động này, các doanh nghiệp cũng thống nhất rằng họ cần sự hỗ trợ từ phía Nhà Nước. Nhiều ý kiến nhận định chính sách của Nhà Nước chưa công bằng giữa công ty trong nước và nước ngoài. "Ví dụ hiện nay, doanh nghiệp trong nước bị khống chế chi phí dành cho Marketing, quảng cáo chỉ 10 đến 15% chi phí hợp lý. Trong khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài mặc sức thuê ngôi sao, phát sóng giờ vàng, thì chúng tôi đành ngồi nhìn", ông Nguyễn Ngọc Hòa chi sẻ.

VnExpress-Thanh Bình

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466