EngLish l Vietnamese
KINH TE - CHÍNH TRỊ
KINH DOANH
 

Nhiều ngân hàng than mặt bằng lãi suất hiện nay đang bất thường, khiến họ khó xoay sở vốn ra, cũng như vốn vào. Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng kêu như vậy là không nghĩ tới toàn cục nền kinh tế.
> Ngân hàng ngại cho vay trung dài hạn

Ở nhiều ngân hàng cổ phần, hoạt động cho vay trung và dài hạn gần như ngưng trệ, vốn huy động vào chủ yếu để giữ khách và đảm bảo thanh khoản. Nút thắt chính, theo họ, là lãi suất. Lãi suất cơ bản giữ ở mức thấp, 7% một năm. Lãi suất cho vay bị khống chế ở mức không quá 150% lãi suất cơ bản, tức 10,5% một năm. Trong khi đó, để cạnh tranh hút vốn với bao kênh đầu tư khác, ngân hàng phải đẩy mặt bằng lãi suất huy động cao trên dưới 9%, cá biệt có trường hợp đưa lên sát trần cho vay.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, đang có sự bất thường về lãi suất và nếu không sớm bàn tới kế hoạch điều chỉnh, ngân hàng sẽ không thể huy động vốn và càng không thể cho vay, hoạt động bơm vốn cho nền kinh tế vì thế sẽ tê liệt. Theo ông, tình thế hiện nay căng chẳng kém hồi tháng 6 năm ngoái, khi khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lên đến đỉnh điểm, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản vì không thể tiếp cận vốn.

Hai vấn đề đang được các ngân hàng đặt ra, bỏ quy định khống chế trần lãi suất cho vay hoặc có sự gợi ý về lộ trình điều chỉnh lãi suất cơ bản, để tạo điều kiện cho việc ấn định lãi suất kinh doanh, tránh đẩy ngân hàng vào cảnh mua đắt bán rẻ (huy động lãi suất cao, cho vay thấp). Trong hội thảo cuối tháng 8 về chính sách tiền tệ hậu khủng hoảng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank cũng tán đồng quan điểm nên sớm thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận. Theo bà Mùi, nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn, các ngân hàng cần vốn cho vay và thực hiện gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, nếu vẫn khống chế trần lãi suất 10,5% như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Gõ cửa vay vốn ngân hàng lúc này không dễ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Gõ cửa vay vốn ngân hàng lúc này không dễ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia đầu tư tài chính, ngân hàng không đến nỗi khó khăn như họ kêu. Lãi suất cao nhất gần 10% chỉ áp dụng cho tiền gửi 3-5 năm, trong khi lãi suất ngắn hạn 8-9%, chưa kể các nguồn vốn giá rẻ 2-3% một năm. Vì thế khoảng vênh giữa chi phí đầu vào và đầu ra vẫn đủ đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều báo lãi trong 6 tháng đầu năm, nơi ít thì vài chục tỷ, đơn vị nhiều cũng trên 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ sớm cán đích cả năm.

"Báo cáo tài chính quý III sẽ cho thấy ngân hàng đang khó khăn hay thực sự vẫn có lãi. Dự báo, tuy tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng mạnh trong quý III, nhưng lợi nhuận sẽ không giảm nhiều so với quý II, thời gian được cho là lãi nhất của ngành ngân hàng trong nhiều năm qua. Đó là chưa kể tới phần đầu tư tài chính", Ông Phạm Thành Thái Lĩnh, Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích.

Theo ông Lĩnh, các ngân hàng đẩy lãi suất huy động dài hạn lên sát trần cho vay là điều dĩ nhiên vì phải chuẩn bị vốn cho vài ba năm tới, khi đó có thể lãi suất không giữ mặt bằng như hiện nay. Vì thế, vẫn còn lời chán nếu họ huy động vốn với chi phí như hiện nay để cho vay với các hợp đồng 3-5 năm tới.

Ngân hàng cũng thủ cho mình không ít bí quyết kiếm lời ngay cả khi lãi suất huy động đẩy sát lãi suất cho vay. Thu phí tín dụng là biện pháp phổ biến sử dụng trước đây, nhưng do bị Ngân hàng Nhà nước cấm, các ngân hàng lại có chiêu mới. Họ đề nghị khách sau khi vay vốn phải mở tài khoản và gửi lại một phần tiền nhất định với lãi suất rất thấp. Trung hòa lãi suất huy động và cho vay với mỗi khách hàng, ngân hàng vẫn có lãi.

Các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng dè dặt cho vay hiện nay, một phần do bị khống chế tín dụng ở mức 30%, và phần vì muốn gây sức ép đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ. "Tăng lãi suất cơ bản lúc này, người hưởng lợi đầu tiên chính là các ngân hàng", một chuyên gia đầu tư tài chính phân tích.

Hơn nữa, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng đề xuất tăng lãi suất cơ bản lúc này là điều không nên, bởi nền kinh tế dù đã tăng trưởng trở lại song vẫn chưa ổn định. Theo ông, ổn định lãi suất, tỷ giá nói riêng, và chính sách tiền tệ nói chung là điều rất quan trọng để đảm bảo ổn định sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm nay và chuẩn bị cho các năm tới.

"Để có vốn cho nền kinh tế, các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao. Điều này khiến chi phí của ngân hàng tăng lên, lợi nhuận giảm xuống. Nhưng hiện nay các ngân hàng đang thu lợi cao, vì thế cần chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp và Nhà nước", ông Kiêm nói thêm.

Hơn ai hết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tỏ ra cương quyết với đề nghị điều chỉnh lãi suất cơ bản của các ngân hàng thương mại. "Là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, song tôi không bênh ngân hàng, không bênh cách làm ăn lạ lùng của họ", ông nói với VnExpress.net.

Theo ông, các ngân hàng thi nhau công bố lãi lớn, nay lại đòi tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế khó khăn, làm như vậy chỉ vì lợi ích cá nhân của ngân hàng và sẽ bị cộng đồng kinh doanh lên án.

Đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái khá mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sau khi hàng loạt ngân hàng báo lãi. Với động thái này, ngân hàng hưởng lãi ít hơn từ phần tiền dự trữ bắt buộc đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

"Khi ngân hàng khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái hỗ trợ. Sau thời gian dài lãi lớn, nay họ phải giảm lợi nhuận, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, đó là điều hợp lý", một chuyên gia đầu tư tài chính nói.

Song Linh

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466