Các nhà khoa học vừa tìm thấy một hợp chất cơ bản của sự sống trong bụi thiên thạch. Đây là bằng chứng mới nhất về khả năng sinh vật sống tồn tại bên ngoài trái đất.
|
Hình minh họa cảnh tàu Stardust tới gần sao chổi Wild 2 để lấy bụi và khí. Ảnh: NASA. |
Tàu vũ trụ Stardust của Mỹ thu được bụi và khí từ sao chổi Wild 2 vào năm 2004. Sau khi phân tích, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện trong bụi và khí có dấu vết của glycine amino axit. Điều này khiến người ta càng tin vào giả thuyết về sự tồn tại của sự sống ở một nơi nào đó trong vũ trụ.
“Dấu vết của glycine trong sao chổi giúp chúng tôi có thêm bằng chứng về việc các chất tạo nên sự sống tồn tại trong vũ trụ. Có lẽ những thiên thể có sự sống không hiếm như chúng ta tưởng”, Carl Pilcher, một nhà sinh học thiên văn của NASA, phát biểu.
Jamie Elsila, trưởng nhóm nghiên cứu, phỏng đoán rằng những hợp chất cơ bản tạo nên con người có thể tới từ vũ trụ.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ giả thuyết về việc một số nguyên liệu của sự sống đã hình thành trong không gian. Sau đó các sao chổi và thiên thạch đã đưa chúng xuống trái đất”, Elsila nói.
20 loại amino axit được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau để tạo nên hàng triệu loại protein. Những protein này “sản xuất” mọi thứ trên cơ thể sinh vật, từ lông cho tới enzyme.
Elsila cho rằng địa cầu không phải là thiên thể duy nhất có amino axit.
“Chúng tôi nhận thấy glycine trên sao chổi có đồng vị carbon mà chúng ta chưa từng biết. Điều đó chứng tỏ amino axit có nguồn gốc từ sao chổi đó”, Elsila phát biểu.
Minh Long (theo AFP)
|