Cùng với việc số lượng các nhà sản xuất ngày càng ít đi, giá trung bình của một TV plasma 50 inch đã rẻ hơn vài trăm USD so với sản phẩm LCD tương đương kích thước.
Năm ngoái, theo hãng nghiên cứu DisplaySearch, người tiêu dùng khu vực Bắc Mỹ mua khoảng 10 triệu chiếc LCD loại 40, 50 inch, trong khi chỉ có 3,8 triệu sản phẩm plasma kích cỡ tương đương được tiêu thụ.
Năm nay, các hãng Pioneer và Vizio đã ngừng sản xuất TV plasma và trên thị trường chỉ còn lại 3 cái tên LG, Panasonic và Samsung với thực trạng kinh doanh mặt hàng này khá ảm đạm.
Tháng trước, Panasonic đã hạ thêm 200 USD trong giá bán niêm yết của các model plasma 46 inch. Hiện nay, người tiêu dùng có thể chọn mua giữa hai loại 50 inch Samsung PN50B450 và Panasonic TC-P50C1 với giá khoảng 900 USD, một mức tiền khá dễ chịu đối với người có nhu cầu dùng màn hình HDTV cỡ lớn trong gia đình.
Cách đây chưa lâu, không một công nghệ nào có thể sánh được với chất lượng hình ảnh của plasma. Nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, LCD đã bắt kịp. "LCD đã có những bước tiến phi thường trong việc cải thiện chất lượng hình ảnh", nhà phân tích Riddhi Patel của hãng iSuppli bình luận. "Và điều đó đã đưa 2 công nghệ vào thế cân bằng hơn rất nhiều".
Trong khi đó, chuyên gia Joe Kane của hãng Digital Video Essentials tin rằng các màn hình plasma đời cao có chất lượng hình ảnh vượt trội, nhưng ưu thế đó sẽ không tồn tại khi xét đến vấn đề giá cả. Theo Kane, TV plasma giá 5.000 USD vượt trội so với LCD cùng giá tiền, nhưng những loại plasma giá thấp hơn thì chất lượng lại không cao lắm.
LCD còn có những ưu thế khác như khả năng hiển thị hình ảnh sáng hơn, nhờ đó gây ấn tượng tốt hơn so với plasma khi để trong các phòng trưng bày.
Hiện tượng cháy hình xảy ra khi một số vùng chứa phốt-pho trên màn hình plasma bị kích thích liên tục với cường độ đều đặn mà không có thời gian “nghỉ ngơi” và lớp phốt pho này bị “ám” lại hình ảnh đã thể hiện trước đó. Khi chuyển qua một hình ảnh khác, bóng mờ của các hình ảnh đã thể hiện lúc trước vẫn hiện ra. |
Ngoài ra, màn hình plasma vẫn tiếp tục phải đương đầu với một thực tế là nhiều người tiêu dùng lo lắng về hiện tượng "cháy hình" (burn in), dù vấn đề này hiện nay chỉ còn là rất hy hữu. "Quan niệm rằng hiện tượng cháy hình là một nhược điểm của công nghệ plasma vẫn tồn tại cho đến ngày nay", chuyên gia Gagnon của hãng DisplaySearch bình luận. Còn hãng Imaging Science thì khuyên những người chơi game có xu hướng để một ảnh tĩnh trên màn hình nhiều giờ liền thì không nên dùng plasma.
Một vấn đề khác của plasma hay được nhắc đến là loại màn hình này tiêu thụ nhiều điện năng hơn LCD. Điều này đúng nhưng tùy theo nội dung hiển thị mà sự khác biệt về tiêu thụ điện có thể không quá lớn.
Nếu xu hướng hiện nay trong cuộc cạnh tranh giữa plasma và LCD tiếp diễn, thì công nghệ plasma có lẽ sẽ không thể có một tương lai lâu dài. Nhà phân tích Patel của iSuppli nhận định sẽ có một sự thành công ngắn hạn dành cho plasma nếu các nhà sản xuất tiếp tục giữ giá của sản phẩm này thấp hơn LCD. "Trọng tâm thành công của plasma sẽ tập trung vào các sản phẩm 50 inch và lớn hơn, trong khi LCD cùng cỡ vẫn đắt hơn", Patel nói. "Vì thế, plasma vẫn sẽ có ưu thế ở phân khúc thị trường này trong vài năm nữa".
Minh Hồng (theo PC World)
|