Hàng tỷ đồng được nhà mạng đầu tư cho các chương trình khuyến mãi tặng tiền, nhân đôi tài khoản khi nạp thẻ cào. Song khách hàng không được lợi nhiều mà tiền cứ chạy vào túi của cửa hàng, đại lý kinh doanh thẻ sim. >Doanh nghiệp ngại nói lời xin lỗi
|
Viettel là mạng di động có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất VN. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho biết, trước đây, các mạng di động thường có xu hướng cộng thẳng tiền vào tài khoản dẫn đến một số đại lý đã lợi dụng chính sách khuyến mãi dành cho người tiêu dùng để trục lợi. Các đại lý này tung tiền ra mua một lượng lớn thẻ trong thời gian khuyến mãi, sau đó bằng nhiều hình thức khác nhau, họ sử dụng số tiền khuyến mãi có được để "bắn" vào tài khoản của khách hàng khi mua thẻ. Việc này sẽ chỉ làm lợi cho các đại lý trong khi chính các khách hàng lại không được hưởng lợi.
"Chính vì vậy, các chương trình khuyến mãi sau này, chúng tôi không tặng tiền trực tiếp nữa mà quy đổi thành số phút gọi và tin nhắn nội mạng sẽ giải được bài toán này đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng một cách tốt nhất", ông Sơn nói.
Theo ước tính của các nhà khai thác di động, mỗi chương trình khuyến mãi tặng tiền trực tiếp hay nhân đôi tài khoản khuyến mãi, chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng được nhận trực tiếp chỉ vào khoảng 30%, còn lại là vào túi các cửa hàng, đại lý. Thực trạng này, xảy ra với hầu hết các nhà khai thác như MobiFone, VinaPhone khi cùng áp dụng cách thức khuyến mãi trên.
MobiFone, Viettel Mobile cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Khi gần hết các đợt khuyến mãi nhân đôi tài khoản hoặc tặng giá trị bộ hòa mạng trả trước của các công ty này, các đại lý đồng loạt kích hoạt các bộ hòa mạng trả trước và sau đó bán dần cho khách hàng với giá cao hơn mệnh giá bộ hòa mạng.
Tương tự, với các chương trình khuyến mãi trả sau miễn phí hoặc giảm rất mạnh phí hòa mạng và tặng 6 tháng cước thuê bao liên tục, một số đại lý đã nhờ người nhà hoặc người quen đăng ký hàng loạt thuê bao trả sau trong thời gian khuyến mãi để được nhận hoa hồng phát triển thuê bao từ các công ty thông tin di động. Sau 6 tháng, các thuê bao này sẽ được cắt hợp đồng, MobiFone và Viettel Mobile không thu được đồng cước nào nhưng lại phải trả tiền hoa hồng phát triển thuê bao mới cho đại lý.
Chính vì những "lỗ hổng" trong các chương trình khuyến mãi kể trên mà không riêng gì Viettel mà các mạng di động khác như VinaPhone, MobiFone cũng đang tìm các biệt pháp để hạn chế hiện tượng trên. Biện pháp mà các doanh nghiệp chọn là thay đổi hình thức khuyến mãi cho phù hợp.
Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc Công ty MobiFone cho rằng tất cả các chương trình khuyến mãi, giảm giá sẽ được đưa về nguyên tắc chuẩn để tránh làm lũng đoạn thị trường. Trong đó việc tặng các phút gọi, tin nhắn SMS được coi là xu hướng khuyến mãi thay vì tặng tiền trực tiếp vào tài khoản mà doanh nghiệp áp dụng trong tương lai.
Trong lần trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Lê Nam Thắng cũng nhìn nhận các chương trình khuyến mại di động với tần suất nhiều như thời gian vừa qua là không bình thường.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo văn bản hướng dẫn các hoạt động khuyến mãi của doanh nghiệp theo hướng hạn chế các chương trình giảm giá sim, tặng tiền vào tài khoản. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ thực hiện các đợt giảm cước đồng loạt áp dụng cho tất cả các thuê bao, hoặc quy ra số phút gọi, tin nhắn... nhằm đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng, đồng thời hạn chế hiện tượng sim dùng một lần rồi vứt, gây lãng phí kho số, ảnh hưởng tới môi trường.
Dự kiến cuối tháng 11, quy chế quản lý các hoạt động khuyến mãi di động sẽ được đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.
Hồng Anh
|