EngLish l Vietnamese
TIN TỨC TỔNG HỢP
KINH DOANH> QUỐC TẾ - Thứ Ba, 27/4/2010
 

Đồng đôla lên giá và thị trường dầu đi xuống khiến vàng chịu nhiều sức ép. Trong khi đó giới đầu tư vẫn quan ngại về khả năng giải ngân gói cứu trợ Hy Lạp.

Đồng tiền chung châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng một so với đồng bảng Anh sau khi Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho biết, Đức sẽ không bơm tiền cho Hy Lạp cho đến khi Athens có một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách "bền vững".

Euro chỉ co hẹp đà giảm vào cuối ngày nhờ phát biểu tích cực của chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, ông Axel Weber về vấn đề nợ công tại châu Âu chưa đáng lo ngại. Mỗi euro đổi được 1,3365 đôla so với phiên cuối tuần trước là 1,3384 đôla. Trong phiên hôm qua, đồng đôla bất ngờ tăng giá mạnh so với yen Nhật, lên ngưỡng cao nhất kể từ ngày 6/4, mỗi đôla ăn được 94,04 yen.

Đồng tiền chung châu Âu đang xuống mức thấp nhất suốt hơn 3 tháng qua do mối lo lắng mang tên Hy Lạp vẫn chưa nguội đi. Ảnh: tradertech.com

Dầu thô nới rộng đà giảm do dự báo nguồn cung tăng. Báo cáo tuần về nguồn cung năng lượng cho thấy sự tăng trưởng mạnh về lượng dầu thô cung ứng trên một triệu thùng trong tuần trước. Giá dầu giao ngay sụt mạnh 1,1%, nguyên nhân chính bởi đồng đôla tăng giá và thị trường thiếu thông tin tích cực về sức khỏe nền kinh tế. Dầu thô ngọt nhẹ giao dịch kỳ hạn tháng 6 cũng hạ 0,7%, xuống 83,64 đôla mỗi thùng. Tại London, giá dầu Brent biển Bắc giảm 42 cent, đóng cửa tại 86,83 đôla một thùng.

Thị trường kim loại quý cũng trượt nhẹ từ mức cao nhất trong hơn một tuần. Ngày hôm qua, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bán ra 5,6 tấn vàng trong tháng 2 - cao hơn mức dự báo ban đầu của giới phân tích. Quan ngại về kế hoạch giải ngân gói cứu trợ tín dụng trị giá 60 tỷ đôla dành cho Hy Lạp lại là dấu chấm hỏi. Giá vàng dao động giữa tăng, giảm tại thị trường hàng hóa NYMEX, chung cuộc xuống 1.152 đôla mỗi ounce, giảm gần 4 đôla so với mức 1.155,99 đôla cuối tuần trước.

Cải cách tài chính sẽ có lợi cho Phố Wall. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, những đề xuất nhằm điều phối chặt chẽ hơn khu vực tài chính không phải là một "mối đe dọa", mà sẽ làm cho các thể chế cho vay trở nên đáng tin cậy hơn. Ông Geithner cũng nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính đã bộc lộ việc đi chệch hướng của các ngân hàng so với sứ mệnh truyền thống là chuyển các khoản tiền tiết kiệm của người dân vào việc thúc đẩy kinh doanh. Dự luật cải cách tài chính mới đã đề ra những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động của giới nhà băng và tổ chức tài chính lớn.

Tim Geithner
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner. Ảnh: Reuters

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ được quyền kiểm tra bất cứ tập đoàn ngân hàng và tài chính nào có tài sản lớn hơn 50 tỷ USD, có quyền buộc ngân hàng phải cắt giảm hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch nhiều rủi ro. Tập đoàn tài chính lớn phải ký quỹ 50 tỷ USD dự phòng nhằm giải cứu công ty khi bị thua lỗ. Quỹ đầu tư lớn phải đăng ký hoạt động với chính phủ. Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói các đề xuất cải cách tài chính của Tổng thống Obama và Thượng viện Mỹ dự kiến trong ngày 26/4 (giờ địa phương) cũng sẽ tiến hành bỏ phiếu về các đề xuất này.

Luồng "tín dụng nóng" đang đe dọa kinh tế châu Á. Ngân hàng Standard Chartered cảnh báo nhiều luồng "tín dụng nóng" tiếp tục đổ vào các nền kinh tế mới nổi châu Á, gây nguy cơ bong bóng tài sản, giống như những gì đã xảy ra trước cuộc khủng hoảng vừa qua. Standard Chartered cho biết luồng tín dụng trong khu vực tư nhân chảy vào các nền kinh tế mới nổi tăng từ 107 tỷ USD năm 2008 lên 283 tỷ USD năm 2009. Chúng bao gồm các khoản cho vay của ngân hàng, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và "tín dụng nóng". Năm 2007, luồng "tín dụng nóng" đổ vào các thị trường mới nổi từng tăng vọt trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng của Standard Chartered, ông Gerard Lyons nhận định: "Sự dư thừa về tín dụng có tiềm năng gây ra các vấn đề mới về kinh tế và tài chính tại các nền kinh tế đang nổi".

Toyota bị Forbes đánh tụt hạng. Đại gia xe hơi Nhật Bản, Toyota Motor đã trượt dài từ vị trí thứ 3 xuống thứ 360 trong bảng xếp hạng các công ty hàng đầu thế giới năm nay do tạp chí Forbes tổng hợp. Uy tín của hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới đã bị giảm sút nghiêm trọng sau hàng loạt các vụ kiện tụng về các trường hợp tử vong liên quan đến xe của hãng. Toyota đã phải thu hồi gần 10 triệu xe trên toàn thế giới do các vấn đề chân phanh và chân ga. Hiện đã có 58 trường hợp tử vong bị nghi có liên quan đến các dòng xe thuộc sở hữu của Toyota. Gần đây, hãng này lại phải chịu mức phạt khổng lồ lên đến 16,4 triệu đôla vì tội cố tình bưng bít các sự cố trên. Năm 2008, Toyota đã vượt GM về doanh số và trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này đứng thứ 3 trong danh sách của Forbes, còn cách đây 5 năm là vị trí thứ 10. Giờ đây, Toyota đã bị các đối thủ như Ford, Honda và Hyundai bỏ xa.

Nguyễn Hùng

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466