EngLish l Vietnamese
KINH TE - CHÍNH TRỊ
THẾ GIỚI
 

"Ai mà chả phải chết, nhưng tôi cũng chỉ ăn nốt bát này nữa thôi, đợi hết cảnh báo đã", tài xế xe tải Nguyễn Hữu Lương vừa nói vừa ăn hết bát tiết canh kèm rau sống, tại một quán ăn ở trung tâm Hà Nội.
> Châu Á hối hả phòng cúm
> Thái Lan có ca nghi nhiễm đầu tiên

Tại Việt Nam, một số người dường như có sự lẫn lộn về cúm lợn - vốn không chỉ liên quan đến lợn mà là một loại có nguồn gốc từ lợn, kết hợp với các virus gây cúm người và gia cầm.

Trên khắp châu Á Thái Bình dương, người người đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của cúm lợn và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới nâng mức cảnh báo về dịch bệnh chết người.

Dịch cúm lợn gây chết người đã xâm nhập khu vực này, với 11 ca nhiễm virus ở New Zealand. Các xét nghiệm hôm nay khẳng định khẳng định ba người nhiễm trong số 11 người có các triệu chứng của bệnh. Giới chức cho biết họ có cơ sở để khẳng định rằng cả nhóm này đã bị nhiễm. Tại Australia, 5 người nghi nhiễm đang được theo dõi.

Như vậy cúm lợn đã xâm nhập 6 nước ngoài Mexico. Các chuyên gia y tế khắp thế giới đang nỗ lực giống như các lính cứu hỏa, cố dập đám cháy mà không biết nó sẽ lan xa đến đâu.

Giới chức các nước trong khu vực đã lập hàng rào phòng bệnh ở các sân bay và bệnh viện, tích trữ thuốc chống virus và các điều kiện cần thiết khác để phòng chống khi đại dịch bùng nổ.

Ở một số thành phố hôm nay, các loại khẩu trang và thuốc kháng virus như Relenza và Tamilflu biến sạch khỏi kệ hàng trong các quầy dược.

"Thực sự là người ta mua khẩu trang suốt cả ngày", Cyrus Chan, chủ một cửa hàng ở khu Wanchai của Hong Kong, nói. Ông đã bán hết veo 10.000 khẩu trang dành cho người lớn và chỉ còn lại những chiếc bé cho trẻ em.

"Kể từ hồi dịch SARS, đây là lần thứ hai nhu cầu về khẩu trang lớn đến thế", Chan nói thêm trong khi một dòng khách hàng tiến đến để hỏi mua và được trả lời đã hết hàng, phải chờ mới có.

Tuy nhiên, tình hình trên đường phố nói chung vẫn bình tĩnh. Châu Á Thái bình dương là khu vực đông dân nhất thế giới, từng trải qua các dịch SARS và cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra.

Tại Hàn Quốc, giới chức y tế đã xét nghiệm cho một phụ nữ 51 tuổi vừa từ Mexico trở về. "Sự phản ứng không quá nhiều. Tôi cũng nhận được vài cuộc điện thoại hỏi xem có thuốc kháng virus hoặc khẩu trang đặc biệt hay không", một dược sĩ ở trung tâm Seoul nói.

"Tôi cho là người Hàn Quốc đã quen với các dịch bệnh trong vòng 10 năm qua. Tuy thế tôi sẽ mua thêm Tamilflu về bán".

Châu Á - nơi đặc biệt dễ bị tấn công

Hệ thống y tế yếu, tình trạng nghèo và đông dân cư ở những nước như Trung Quốc và Ấn Độ là điểm yếu rất dễ bị tấn công nếu virus gây chết người xâm nhập và phát triển trong khu vực.

Trung Quốc đã cam kết công khai bất kỳ cá nhân nào có biểu hiện sốt. Báo chí nước này hôm nay kêu gọi giới chức nên cởi mở và tránh tình trạng che giấu thông tin như hồi dịch SARS, từng giết chết hàng trăm người ở đại lục và Hong Kong.

"Tôi chỉ muốn được an toàn", một người Hong Kong tên là Cheng, đang mua 100 chiếc khẩu trang cỡ nhỏ cho cô con gái 9 tuổi, nói.

Tại Singapore, loại khẩu trang cao cấp N95 đang được mua vét ào ạt, trong khi chuyến hàng nhập sớm nhất qua đường hàng không sẽ chỉ đến sau một tuần nữa. "Chúng tôi hết sạch cả hàng, bởi những người đi châu Âu và Mỹ muốn tự bảo vệ phòng cúm", một người bán hàng ở sân bay Changi cho hay.

Số người chết vì cúm lợn ở Mexico đã vượt quá 150. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng thế giới đang tiến ngày càng gần hơn đến đại dịch cúm, lần đầu tiên xảy ra trên thế giới trong vòng 40 năm qua. Dịch cúm "Hong Kong" năm 1968 - bệnh được phát hiện đầu tiên ở Hong Kong - đã giết chết 1 triệu người. Dịch SARS năm 2003 làm chết 299 người.

T. Huyền (theo Reuters, AP)

Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466