EngLish l Vietnamese
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
VI TÍNH - Thứ năm, 10/2/2011
 

Ở nước ta, mỗi ngành đều có ngày truyền thống của mình. Mới đây, Thứ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã có thông báo xin ý kiến về việc chọn ngày CNTT VN.

Gần đây, có nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày truyền thống của một số ngành. Đề đạt của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng về việc chọn ngày truyền thống cho ngành Công nghệ thông tin Việt Nam đã được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT ủng hộ và chính thức đề nghị Bộ TT&TT xem xét, báo cáo.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp dự họp mặt đầu năm của Bộ TT&TT.

Chúng ta hãy cùng chọn ra một ngày tiêu biểu để làm ngày truyền thống cho ngành CNTT VN. Dưới đây là một số ngày đáng chú ý.

Một số cột mốc đáng chú ý

Giai đoạn trước năm 1975 (Khái niệm “Máy tính điện tử” chính thức được sử dụng rộng rãi)
24/5/1968

Thành lập Phòng Toán học tính toán (Phòng Máy tính) trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước.

Phòng Toán học tính toán (tên sử dụng trong các giao dịch tuyệt mật là Phòng Máy tính) được thành lập theo Quyết định số 101-KHKT/QĐ ngày 24/5/1968 của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước với 3 nhiệm vụ chính:

  • Giải những bài toán do thực tế sản xuất và chiến đấu đề ra, có khối lượng tính toán lớn, cần tính trên máy tính điện tử.
  • Bảo quản, phân phối việc sử dụng máy tính điện tử và các phương tiện tính toán khác.
  • Chuẩn bị cơ sơ vật chất và cán bộ để xây dựng Trung tâm tính toán; đào tạo cán bộ cho ngành máy tính.
22/6/1968

Máy tính điện tử đầu tiên Minsk-22 do Chính phủ Liên Xô viện trợ được vận chuyển bằng đường sắt về tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Trong giai đoạn 1969 đến 1975, máy tính Minsk-22 đã thực hiện nhiều tính toán khoa học kĩ thuật phục vụ dân sự và quân sự phục vụ nhiệm vụ kinh tế xã hội và nhiệm vụ chiến đấu.

Giai đoạn từ năm 1975 đến trước năm 1993 (Khái niệm “Tin học” chính thức được sử dụng rộng rãi)
XX/XX/1975

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 173-CP về tăng cường ứng dụng toán học và máy tính điện tử trong quản lí nhà nước.

10/7/1976

Thành lập Cục máy tính điện tử trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước.

Cục máy tính điện tử được thành lập theo Quyết định số 108-CP ngày 10/7/1976 của Hội đồng Chính phủ với nhiệm vụ tổ chức, khai thác, sử dụng và phát triển hệ thống máy tính điện tử ở Việt Nam.

XX/XX/1976

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 245-CP về tăng cường quản lí và sử dụng máy tính điện tử trong cả nước.

16/12/1983

Thành lập Tổng cục Điện tử và Kĩ thuật tin học trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Tổng cục Điện tử và Kĩ thuật tin học được thành lập theo Quyết định số 481-NQ/HĐNN7 ngày 16/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng có chức năng thống nhất quản lí nhà nước ngành điện tử và lĩnh vực kĩ thuật tin học trong phạm vi cả nước theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

9/6/1988

Thành lập Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh

17/12/1988

Thành lập Hội Tin học Việt Nam

Giai đoạn từ năm 1993 đến nay (Khái niệm “Công nghệ thông tin” chính thức được sử dụng rộng rãi)
4/8/1993

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90.

Đây là lần đầu tiên khái niệm “công nghệ thông tin” được định nghĩa và sử dụng một cách chính thức trong một văn bản của Nhà nước (?). Nghị quyết số 49 cũng đã đề cập đến nhiều “cột trụ” quan trọng của ngành CNTT là: công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT (cả trong quản lí nhà nước và trong xã hội), nguồn nhân lực CNTT, R&D, cơ sở hạ tầng v.v… Nhiều nội dung đề ra trong Nghị quyết số 49 đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nghị quyết số 49/CP cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 211/TTg ngày 7/4/1995 phê duyệt Chương trình quốc gia về CNTT - Kế hoạch tổng thể đến năm 2000. Ngày 6/5/1994, Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT được thành lập theo Quyết định số 212/TTg ngày 6/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ.

3/2/1997

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Thông báo số 44-TB/TW về ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị về vấn đề quản lí, thiết lập, sử dụng mạng Internet thực nghiệm ở Việt Nam.

Sau khi nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ và các ngành có liên quan báo cáo, Bộ Chính trị đã có kết luận cho phép nước ta kết nối Internet với thế giới, nhưng phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Sau hơn 8 tháng chuẩn bị, ngày 19/11/1997, Ban điều phối quốc gia mạng Internet khai trương dịch vụ Internet Việt Nam, trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập Internet và nhà cung cấp dịch vụ - "cánh cổng" chính thức mở ra với thế giới.

5/6/2000

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005.

17/10/2000

Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 58/CT-TW “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Trong Chỉ thị này, Bộ Chính trị đã xác định, công nghệ thông tin (CNTT) là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của thế giới hiện đại. Đây cũng là lần đầu tiên ngành CNTT có một văn bản chỉ đạo tổng thể, bao gồm đầy đủ các “cột trụ” quan trọng của ngành, là: công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT (cả trong quản lí nhà nước và trong xã hội), nguồn nhân lực CNTT, cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lí cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT (bao gồm cả việc kiện toàn hệ thống bộ máy quản lí nhà nước về CNTT).

Sự ra đời của Chỉ thị 58 đã có một vai trò lịch sử to lớn và tạo ra một luồng gió mới cho phát triển ngành CNTT Việt Nam khi đất nước bước vào thời kì phát triển và hội nhập, là cơ sở để gỡ bỏ nhiều vướng mắc hạn chế, tạo tiền đề cho ngành CNTT-TT phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong 10 năm qua.

29/6/2006

Quốc hội khóa XI, Kì họp thứ 9 thông qua Luật Công nghệ thông tin.

Luật CNTT gồm 6 chương, 79 điều được Quốc hội khóa XI, Kì họp thứ 9, thông qua ngày 29/6/2006 đã tạo ra hành lang pháp lí cơ bản để điều chỉnh các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, đồng thời, góp phần tạo sự đồng bộ với các đạo luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.


CNTT
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần máy tính và truyền thông Việt Nam
Địa chỉ: 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện Thoại: 844 7715126 - 844 8 344665, Fax 844 8343466